Trò chuyện với nhà giáo dục truyền cảm hứng ngày 4/4/2024

Ngày 4/4/2024, trong khuôn khổ môn học PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP VÀ ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO, các  giáo viên và giảng viên của Trường Đai học Ngoại ngữ – ĐHQGHN  đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (nguyên giảng viên cao cấp của Trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN)

Với kinh nghiệm 40 năm trong ngành giáo dục đào tạo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa vẫn thường được gọi bằng danh xưng thân thương là “bác Hoa”. Trong buổi chia sẻ PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa đã cho người tham dự những thông tin vô cùng hữu ích về

– Bối cảnh giáo dục Việt Nam và thế giới

– Đặc trưng phụ huynh, học sinh của Việt Nam

– Những phẩm chất, năng lực một giáo viên cần chuẩn bị để thích nghi với xã hội luôn biến động và khó dự đoán

– Cách tạo động lực trong hành trình phát triển nghề nghiệp và phát triển bản thân.

Các Ulisers đã có dịp “Hỏi xoáy đáp xoay” cùng bác Hoa với những câu hỏi như

– Bác đã bao giờ mệt mỏi chưa? Làm cách nào để bác lấy động lực làm việc cho bản thân suốt 40 năm qua?

– Khi gặp phụ huynh kỳ vọng mù quáng, gây áp lực học tập cho HS thì GV cần làm gì ?

….

Qua lối truyền đạt độc đáo, chân tình mà sâu sắc của bác Hoa, những bài học của hơn 40 năm làm công tác giáo dục được đúc kết vừa tự nhiên, hài hước, vừa dễ hiểu. Các bạn SV đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sau những tràng cười sảng khoái, cả căn phòng lại tĩnh lặng, lắng nghe những câu chuyện rất “đời” của bác. Bác Hoa đã có những câu nói rất sâu sắc:

Nếu không chịu làm giàu trí tuệ, không tự mày mò học hỏi, không chịu bước ra khỏi vùng an toàn, không chịu đi trải nghiệm, đến một lúc nào đó, mọi giáo viên sẽ cảm thấy chán chính mình, chán những bài giảng của mình. Khi đó, động lực mất, cảm hứng mất, xói mòn trí tuệ, họ có lỗi với các thế hệ học trò”. 

– Thích ứng linh hoạt là gì ? Năng lực thích ứng linh hoạt là chấp nhận những điều không thể thay đổi. Thay đổi những điều không thể chấp nhận

– Từ bao đời nay, nghề nhà giáo vẫn luôn được xã hội tôn trọng. Tuy nhiên, hỡi những giáo viên trẻ, đừng quên tự hỏi “Tôi sẽ trở thành ai ? Giá trị mà tôi theo đuổi?”

– Đối với những phụ huynh “bao bọc” con, giáo viên cần giúp họ hiểu rằng trẻ cần khả năng thay đổi để thích ứng với cuộc đời. Chẳng có cuộc đời nào thay đổi vì ta cả.

-Đã làm thì không thể tránh sai lầm. Khi mắc sai lầm, đừng đổ lỗi cho ai cả. Chỉ có người không làm thì không có sai lầm và họ cũng trở thành vô hình. 

Động lực cuộc sống đến từ việc ta bước ra khỏi vùng an toàn, ở gần những người giỏi. Tư duy tích cực để thoát khỏi bế tắc. Ta thấy những điều lạc quan trong điều bi quan. 

– Niềm hạnh phúc thực sự của nghề giáo là truyền được động lực cho học sinh, cảm hóa được những hoc sinh tưởng chừng như cá biệt nhất, thuyết phục được những phụ huynh khó tính nhất. Đến tận bây giờ, bác vẫn không ngừng tìm tòi, làm mới mình. Đó cũng là cách để người giáo viên “thắng” trong cuộc chiến với Trí tuệ nhân tạo.

Khép lại buổi gặp gỡ sôi nổi, đầy bổ ích, Trường Đại học Ngoại Ngữ, bộ môn Tâm lý Giáo dục và các Uliser tham dự đã gửi tặng PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa rất nhiều lời cảm ơn, bó hoa tươi thắm, món quà nhỏ lưu giữ kỷ niệm về một buổi gặp gỡ rất hữu ích và lại mong có những dịp chia sẻ tiếp theo từ “Bác Hoa” tới các bạn sinh viên.

Một lần nữa bộ môn Trường Đại học Ngoại Ngữ, bộ môn Tâm lý Giáo dục xin trân trọng cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa. Dù bận rộn, bác vẫn luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho hoạt động của nhà trường và bộ môn. Cảm ơn sự tham gia đông đủ và tích cực của tất cả các bạn Ulisers

Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi gặp gỡ truyền cảm hứng