Tích cực độc hại là gì?
Thực tế cho thấy rằng chúng ta luôn mong muốn/ hướng đến sự tích cực trong suy nghĩ, thái độ, hành động… Hay bạn cũng có thể thường nghe thấy lời khuyên của người khác: Hãy tích cực lên… mỗi khi có điều gì đó xảy ra không theo ý muốn của mình hoặc chính bạn cũng có thể từng nói điều đó với người khác. Nhưng có khi nào bạn nghe đến cụm từ “Tích cực độc hại” chưa? Liệu rằng cứ tích cực là tốt hay còn có mặt trái của vấn đề này mà chúng ta chưa nhìn ra? Chúng mình cũng khám phá nhé. Theo Psychology Today, “Tích cực độc hại” (toxic positivity) là một khái niệm được sử dụng để mô tả tình trạng bắt buộc phải giữ thái độ tích cực, những suy nghĩ, cảm xúc tích cực và từ chối các cảm xúc tiêu cực. Khái niệm này được sử dụng để mô tả việc ép buộc bản thân hoặc người khác phải luôn tỏ ra tích cực và không chấp nhận được những cảm xúc tiêu cực. Trong trường hợp điều đó diễn ra lâu dài có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng ta:
Gây ra sự kìm nén cảm xúc: Tích cực độc hại có thể khiến một cá nhân tự kìm nén tất cả những cảm xúc tiêu cực, việc kìm nén cảm xúc đó có thể làm suy yếu trí nhớ ngẫu nhiên (incidental memory) và dẫn đến kích thích tim mạch. Ngoài ra, kìm nén cảm xúc tiêu cực sẽ khiến bạn mâu thuẫn với những cảm xúc thực sự bên trong với những điều bạn thể hiện bên ngoài và khiến bạn phải chịu đựng những cơn stress kéo dài. Nếu bạn đang thực sự không vui vì điểm của bạn không tốt mà cứ phải tỏ ra mình ổn với bản thân hoặc với người khác thì quả là một gánh nặng với bạn.
Khiến mình nhìn nhận vấn đề một cách sai lệch: Cảm xúc là phản hồi của bạn với các vấn đề hoặc sự kiện. Việc bạn từ chối một cảm xúc có thể khiến bạn không thể vượt qua được một vấn đề hoặc không có được sự trợ giúp mà bạn cần . Ví dụ, bạn bị body-shaming nhưng thay vì đứng lên bạn lại tự nhủ là không sao và để điều đó tiếp diễn.
Tạo ra một tư duy đổ lỗi: Tư duy này có thể khiến mỗi người tự đổ lỗi cho người khác để duy trì được thái độ tích cực. Họ đổ lỗi cho người khác để trút đi cảm giác gánh nặng, duy trì trạng thái “tích cực”. Ví dụ khi điểm bài tập nhóm không như kỳ vọng bạn tự an ủi là do bạn khác không hoàn thành tốt nhiệm vụ chứ không phải do mình.
Tạo ra cảm xúc thứ cấp tiêu cực (negative meta-emotion): Theo giáo sư Gottman, cảm xúc thứ cấp là cảm xúc của bạn về một cảm xúc. Ví dụ: Bạn vui (cảm xúc thứ cấp) vì bạn vui (cảm xúc). Cảm xúc thứ cấp tiêu cực là việc bạn cảm thấy tệ về một cảm xúc tiêu cực hay nói dễ hiểu, bạn buồn vì bạn buồn. Chính việc bạn cho rằng cảm xúc tiêu cực là tệ có thể dẫn đến điều này. việc gắn mác một cảm xúc là xấu có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm và các bệnh về tâm lý khác đấy bạn ạ.Vậy là thế nào để biết mình đang có tích cực độc hại hay không? Dưới đây là một số dấu hiệu có thể chỉ ra được điều đó.
Hãy cùng xem liệu bạn có rơi vào trạng thái này không nhé:
- Phủ nhận hoặc giảm nhẹ các cảm xúc tiêu cực của bản thân hoặc người khác. Ví dụ, bạn buồn, căng thẳng vì việc học nhưng tự nhủ “người khác còn vất vả hơn kìa, của mình đã là gì”.
- Tự áp đặt và ép buộc người khác phải giữ thái độ tích cực và tránh xa những người có suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực. Có lẽ lời an ủi “Có gì đâu”, “Không sao đâu” có thể khiến cho cảm xúc của người khác thêm nặng nề.
- Bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo và sự kiểm soát, cho rằng chỉ cần giữ thái độ tích cực và suy nghĩ tích cực thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Điều này giống như việc bạn thuyết phục bản thân là mình khô ráo trong khi đang đi mưa.
- Cảm thấy bất lực hoặc suy sụp khi không thể giữ thái độ tích cực trong một tình huống tiêu cực. Bạn buồn vì bạn buồn, cảm thấy tội lỗi vì mình trở nên không tích cực. Ví dụ, bạn dành ra cả buổi sáng để buồn vì bản thân trượt phỏng vấn xin việc (cảm xúc) để rồi cáu gắt hoặc thất vọng vì mình đã phí cả buổi sáng để buồn (cảm xúc thứ cấp).
Tích cực độc hại là một hiện tượng tâm lý có thể gây hại đến sức khỏe tinh thần của con người, vì vậy, việc nhận biết được hiện tượng này là điều rất quan trọng. Ở bài viết sau UPC sẽ đem đến cho bạn những giải pháp cho vấn đề này. Hãy chờ đón chúng mình bạn nhé.
___________________________
Nguồn trích dẫn:https://www.psychologytoday.com/us/basics/toxic-positivity
https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/0963721418806697
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4820014/
https://dictionary.apa.org/emotionhttps://victimfocusblog.com/…/dr-jess-taylor-writes…/
https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/01461672992511010
Nguồn ảnh:https://eduadvisor.my/…/is-being-too-positive-harmful-4…
—————————————————
TRUNG TÂM TƯ VẤN VÀ PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN UPC – ĐHNN – ĐHQGHN
Đặt lịch hỗ trợ, tư vấn trực tiếp 1 – 1 với chuyên viên tâm lý qua:
Cách 1: Điền theo link: https://by.com.vn/AKsUTb
Cách 2: Đặt lịch tư vấn qua Email: upc.dopp@gmail.com
Cách 3: Đến trực tiếp tầng 4, giảng đường B2, Đại học Ngoại Ngữ, Hotline: 0246 296 6295
Cách 4: Nhắn tin qua page: https://www.facebook.com/UPC.ulis.vnu