Tác động của căng thẳng kéo dài và các rủi ro về vấn đề sức khoẻ tâm thần
Căng thẳng có thể là một trạng thái tâm lý tự nhiên, tuy nhiên căng thẳng trong một thời gian dài hay căng thẳng mãn tính (chronic stress) có thể dẫn đến nhiều tác hại không chỉ với cơ thể mà tới vấn đề nhận thức, cảm xúc, hành vi của chúng ta và gia tăng khả năng mắc các rối nhiễu tâm thần như rối loạn lo âu và trầm cảm. Ảnh hưởng xấu tới các chức năng nhận thức
Theo trang MentalHelp.net, sự xuất hiện dai dẳng của các hormone gây căng thẳng trong cơ thể có thể làm thay đổi hoạt động và cấu trúc của một số bộ phận thuộc hệ thần kinh. Cụ thể hơn, các yếu tố gây stress có thể làm suy giảm chức năng các tế bào thần kinh của hồi hải mã (một phần quan trọng của não bộ để tạo ra những ký ức dài hạn mới) và ở thùy trán (bộ phận có chức năng lọc thông tin và sử dụng khả năng phán đoán để giải quyết vấn đề). Do đó, những người bị căng thẳng kinh niên có thể cảm thấy bối rối, khó tập trung, khó tiếp thu thông tin mới hoặc gặp khó khăn với việc đưa ra quyết định.
Rối loạn cảm xúc và thay đổi tính cách, hành viTính cách của mỗi cá nhân được định hình bởi yếu tố di truyền cũng như bởi tác động từ môi trường bên ngoài. Một số người trải qua những thay đổi về cảm xúc và hành vi để đối phó với các yếu tố gây stress đến từ môi trường xung quanh, như áp lực công việc, xung đột với người khác, nỗi đau mất đi người thân,… Theo trang Vinmec, rối loạn cảm xúc cũng là một hậu quả của stress trong thời gian dài. Người bệnh sẽ luôn trong trạng thái ức chế, dễ xúc động hay phản ứng thái quá vì những điều nhỏ nhất. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người bệnh, khiến họ dễ mất kiểm soát hành vi.
Rối loạn lo âu Rối loạn lo âu (anxiety disorders) là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất hiện nay (APA, 2021) và chứng rối loạn này có mối liên hệ với căng thẳng mãn tính. Cụ thể, căng thẳng nhẹ (cấp tính) và căng thẳng kéo dài (mãn tính) được đặc trưng bởi những thay đổi sinh lý xảy ra để đáp ứng với các kích thích mới hoặc đe dọa. Căng thẳng mãn tính có liên quan đến sinh lý bệnh của các rối loạn tâm thần khác nhau, bao gồm rối loạn lo âu và trầm cảm (Finlay JM, Zigmond MJ, Abercrombie ED, 1995). Trong điều kiện rối loạn lo âu mãn tính do căng thẳng và trầm cảm, mức độ dopamin và serotonin trong não bị giảm. Ngược lại, nồng độ glucocorticoid trong huyết thanh như corticosterone và cortisol tăng lên do các căng thẳng mãn tính khác nhau, và điều này được điều hòa bởi hệ thống HPA, bao gồm trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận (hệ thống thường được biết đến với vai trò là hệ thống phản ứng với căng thẳng của hệ nội tiết trong cơ thể) (Sheikh N, Ahm A, Siripurapu KB, Kuchibhotla VK, Singh S, Pali G, 2007).
Nguy cơ mắc bệnh trầm cảmVề trầm cảm, đây là căn bệnh rối loạn tâm thần phổ biến hiện nay. Trầm cảm được biểu hiện thành các triệu chứng tâm lý đặc trưng, như tâm trạng chán nản và mất hứng thú, người bệnh thường có khí sắc trầm buồn, có suy nghĩ bi quan và cảm nhận về bản thân thấp, cho rằng mình ít giá trị hoặc vô dụng; đi kèm với một số thay đổi về mặt sinh học… Trong nghiên cứu của Tafet, G. E., & Bernardini, R. (2003) về mối liên hệ giữa căng thẳng mãn tính và stress, đã chỉ ra đáp ứng mãn tính (chronic application) của các phản ứng căng thẳng có thể dẫn đến sự thay đổi trong quy định của hệ thống HPA và kết quả là, chứng tăng huyết áp có xuất hiện trong các quá trình tâm lý thần kinh nội tiết khác nhau, chẳng hạn như trong hệ thống serotonergic, và điều này có liên quan đến nguồn gốc và sự phát triển của trầm cảm. Vì vậy, căng thẳng kéo dài có thể là nguy cơ dẫn tới bệnh trầm cảm và ngược lại.
Như vậy, bài viết này đã cung cấp thêm những thông tin về ảnh hưởng của stress kéo dài đến đến nhận thức và sức khỏe tâm thần của chúng ta , gây ra nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống. Vậy đâu sẽ là giải pháp giúp hạn chế stress? Hãy đón chờ ở bài viết sau của UPC bạn nhé!
—————————————————
Nguồn tham khảo:
https://www.sciencedirect.com/…/abs/pii/S0278584603001623
https://www.vinmec.com/…/prolonged-stress…/
https://www.mentalhelp.net/stress/emotional-impact/
https://www.psychiatry.org/…/what-are-anxiety-disorders….
https://www.webmd.com/depression/features/stress-depression
—————————————————
TRUNG TÂM TƯ VẤN VÀ PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN UPC – ĐHNN – ĐHQGHN
- Đặt lịch hỗ trợ, tư vấn trực tiếp 1 – 1 với chuyên viên tâm lý qua:
- Cách 1: Điền theo link: https://by.com.vn/AKsUTb
- Cách 2: Đặt lịch tư vấn qua Email: upc.dopp@gmail.com
- Cách 3: Đến trực tiếp tầng 4, giảng đường B2, Đại học Ngoại Ngữ, Hotline: 0246 296 6295
- Cách 4: Nhắn tin qua page: https://www.facebook.com/UPC.ulis.vnu